Trên thị trường gọi xe công nghệ hiện nay, thương hiệu đang thống trị thị trường này là Grab và chưa thực sự có một đối trọng nào xứng tầm để cạnh tranh với Grab. Và đương nhiên những người tiêu dùng và tài xế là những người không thích điều này nhất bởi họ sẽ phải chịu thiệt do sức mạnh thị trường của Grab quá lớn. Nhưng có lẽ tình trạng này sẽ không diễn ra không lâu nữa vì hiện giờ đã xuất hiện một thương hiệu gọi xe mới đó là Go-Viet. Go-Viet là thương hiệu mà ứng dụng gọi xe
Go-Jek của Indonesia sử dụng cho thị trường Việt Nam.
Ngay khi mới chân ướt chân ráo vào Việt Nam thì Go-Viet đã tỏ rõ sự quyết tâm muốn giành thị phần của mình bằng việc tung ra giá cước chỉ với 5.000 đồng cho một chuyến xe ôm dưới 8 km. Đây cũng chính là cách thức mà Grab đã từng sử dụng để cạnh tranh với Uber. Nhưng hiện giờ cách thức này còn hiệu quả không khi Grab đã có được một thị phần rất lớn tại Việt Nam cùng với một nền tảng tài chính vững chắc? Giảm giá có lẽ không phải là thượng sách và nó có thể dẫn đến một cuộc chiến về giá khốc liệt trên thị trường gọi xe công nghệ giữa Grab và Go-Viet. Nếu cuộc chiến đó xảy ra thì người chịu thiệt sẽ là hai thương hiệu này còn người hưởng lợi là người tiêu dùng và tài xế. Cách thức này có thể dễ dàng thu hút được khách hàng nhưng khi đã bước vào một cuộc đua về giá thì nó sẽ không dừng lại cho tới khi có người gục ngã.
Muốn chiếm được thị phần bằng cách giảm giá rất nguy hiểm và nhiều rủi ro bởi với tiềm lực tài chính mạnh cùng thị phần rất lớn thì liệu rằng Grab có để yên cho Go-Viet giảm giá và cướp mất khách hàng của mình? Có lẽ là không vì nếu muốn giữ được thị phần thì nhiều khả năng họ cũng sẽ phải giảm giá theo Go-Viet.
Kết quả của những cuộc cạnh tranh trực tiếp bằng việc giảm giá như thế sẽ chẳng đi đến đâu cả và sẽ khiến cho cả hai trở nên kiệt quệ về tài chính. Đặc biệt là đối với các thương hiệu Việt với sức mạnh tài chính yếu thì không nên sử dụng cách thức này. Thực ra việc cạnh tranh bằng cách giảm giá với những đối thủ mạnh cũng không phải hoàn toàn bất khả thi nhưng muốn sử dụng phương pháp này trong cạnh tranh thì cần cân nhắc hết sức cẩn thận.
Chẳng hạn một doanh nghiệp với nền tảng tài chính yếu mà lại muốn cạnh tranh với người dẫn đầu thị trường thì tuyệt đối không nên giảm giá một cách trực tiếp mà nên kết hợp với các phương pháp khác. Chẳng hạn như trên thị trường gọi xe công nghệ, Mai Linh và Vinasun là những hãng taxi truyền thống và đang muốn cạnh tranh với Grab. Vậy thì họ nên hợp tác với nhau bằng việc Mai Linh sẽ tập trung vào dịch vụ gọi xe ôm còn Vinasun thì tập trung vào dịch vụ gọi xe taxi rồi sau đó cả hai sẽ đồng thời triển khai chiến dịch giảm giá. Như vậy thì Grab sẽ gặp khó khăn trong việc phản đòn. Trong quân sự đây được gọi là thế gọng kìm, chặn đầu chặn đuôi và đưa đối thủ vào thế bị kẹp ở giữa khiến cho đối phương không biết đường nào mà chống trả.
Một phương pháp giảm giá khác nữa là việc khi bạn và đối thủ cùng kinh doanh nhiều mặt hàng thì việc cạnh tranh bằng cách giảm giá của bạn nên kết hợp với việc thu hẹp số lượng sản phẩm kinh doanh. Trong quân sự đây có thể được coi là phương pháp đánh du kích. Khi lực lượng của địch mạnh hơn thì ta không nên tổng tấn công trực diện mà nên chia nhỏ mục tiêu ra và tiêu diệt từ từ lực lượng địch.
Các doanh nghiệp Việt đã bỏ lỡ thời cơ để chiếm lấy vị trí số hai trên thị trường khi Go-Viet của
Go-jek chưa xuất hiện. Có lẽ giờ đây, thị trường gọi xe công nghệ sẽ là cuộc chiến của hai ông lớn Go-Viet và Grab. Các doanh nghiệp Việt nên xem xét việc tự đi tìm cho mình những con đường khác vì với tình hình hiện giờ sẽ rất khó cho họ trong việc chiếm lĩnh thị trường này.
Nhận xét
Đăng nhận xét