Sự chuyển dịch giữa cũ và mới
Một trong những đặc điểm quan trọng của môi trường kinh doanh ngày nay đó chính là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ dần dần thay thế những thứ truyền thống. Công nghệ đã làm thay đổi rất lớn đến cuộc sống, cách thức làm việc, mua sắm của con người, đặc biệt là Internet. Chúng ta đang chuyển từ phương thức mua hàng truyền thống ở các cửa hàng sang mua sắm trực tuyến. Hiện nay các cửa hàng truyền thống ở Mỹ đang dần biến mất và thay vào đó là các cửa hàng mua sắm trực tuyến. Không chỉ ảnh hưởng tới lĩnh vực bán lẻ mà còn rất nhiều những lĩnh vực khác, một trong số đó chính là lĩnh vực taxi và xe ôm. Cũng tương tự như trong ngành bán lẻ, một xu hướng tất yếu là khách hàng đang chuyển từ bắt taxi và xe ôm theo kiểu truyền thống sang đặt taxi và xe ôm trực tuyến. Đây không chỉ đơn giản là một thị hiếu nhất thời mà nó sẽ trở thành một xu hướng bởi sự tiện lợi và rất nhiều lợi ích khác mà nó đem lại cho người sử dụng. Và sẽ đến một ngày nó sẽ thay thế cho cho taxi và xe ôm truyền thống, tất nhiên không phải ngay lập tức bởi vì một xu hướng sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian khá lâu.
Đối mặt với sự thay đổi
Một doanh nghiệp sinh ra là để kiếm lợi nhuận thông qua việc phục vụ khách hàng, cung cấp những giải pháp để giải quyết những vấn đề hay nhu cầu của khách hàng. Vậy khi có một giải pháp mới hiệu quả hơn thay thế cho giải pháp truyền thống mà bạn đang cung cấp và rất được khách hàng ưa chuộng vì những lợi ích mà nó đem lại cho họ thì bạn sẽ làm gì? Có thể một số doanh nghiệp sẽ cố gắng đề cao lợi ích dòng sản phẩm của mình lên, tảng lờ đi sự cạnh tranh của sản phẩm mới rồi cho rằng đó chỉ là những thị hiếu nhất thời và sẽ có lúc khách hàng sẽ quay trở lại với những sản phẩm truyền thống của họ. Một bài học kinh điển nhất trong việc đối mặt với sự thay đổi đó chính là Nokia. Khi Apple tung ra điện thoại màn hình cảm ứng là Iphone thì với vị thế là người thống trị thị trường điện thoại lúc bấy giờ, Nokia cũng cho rằng đó chỉ là một thị hiếu nhất thời và rồi khách hàng vẫn sẽ quay trở lại và mua điện thoại của chúng ta nhưng cuối cùng khách hàng đã một đi mà không trở lại. Một số doanh nghiệp thì quá chậm trễ trong việc phản ứng với sự thay đổi và sai lầm trong phương pháp đối phó.
Yếu tố quan trọng nhất khi đối phó với thay đổi
Yếu tố quan trọng nhất trong việc đối phó với thay đổi chính là tốc độ thay đổi. Đừng để khi chiếc điện thoại màn hình cảm ứng Iphone đã chiếm được một vị thế vững chắc thì lúc đó Nokia mới tung ra sản phẩm điện thoại cảm ứng của mình để cạnh tranh. Cũng như các hãng taxi truyền thống đừng để khi mà các thương hiệu xe ôm và taxi công nghệ là Grab và Uber xuất hiện nhan nhản trên đường phố thì lúc đó mới nghĩ đến việc thay đổi để cạnh tranh. Khi Uber và Grab mới ra mắt ở Việt Nam thì trước sự xuất hiện của hai thương hiệu này, taxi Vinasun lại tảng lờ đi sự cạnh tranh này và lại tập trung vào việc đa dạng hóa như: bán bưởi trên taxi mà không hề cảm nhận được sự đa dạng hóa đang diễn ra trong chính lĩnh vực taxi.
Cuộc đối đầu giữa Mai Linh với Grab, Uber
Trong cuộc đối đầu với Grab và Uber, Mai Linh đã mắc phải sai lầm khi đã chọn phương án đối đầu trực tiếp với Grab và Uber. Đầu tiên là về nhận diện thương hiệu. Grab đã in sâu vào tâm trí của khách hàng màu xanh lá cây trên những chiếc áo của những người lái xe xuất hiện rất nhiều trên đường vì vậy việc Mai Linh lựa chọn màu xanh lá cây cho đồng phục của lái xe sẽ khiến cho Mai Linh trở nên lu mờ, nhạt nhòa trong mắt người tiêu dùng. Thứ hai là việc Mai Linh triển khai dịch vụ xe ôm và taxi công nghệ ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh bởi vì đây đều là những thành phố mà Grab và Uber đã xây dựng được một vị trí vững chắc với khách hàng nên đây sẽ là những thị trường rất khó chiếm lĩnh. Tiếp theo là việc tung ra dịch vụ xe ôm và taxi công nghệ gắn quá nhiều với thương hiệu Mai Linh mà từ trước tới nay Mai Linh được khách hàng biết tới như một hãng taxi truyền thống, điều này sẽ gây khó khăn cho Mai Linh trong việc cạnh tranh với những thương hiệu sở hữu thuộc tính "thuần công nghệ" như Uber và Grab. Và đặc biệt là cuộc cạnh tranh về giá bởi vì những kẻ yếu hơn nhưng lại là người khơi mào cho một cuộc chiến về giá thì sẽ phải chịu một thất bại nặng nề. Nhiều người sẽ cho rằng Grab cũng từng giảm giá để cạnh tranh với Uber nhưng trường hợp của Grab khác bởi vì họ tập trung chiếm lĩnh thị trường xe ôm là thị trường mà lúc đó Uber chưa chiếm lĩnh được còn tình thế hiện giờ đã khác để Mai Linh sử dụng lại chiến thuật này.
Nhận xét
Đăng nhận xét